Bỏ chấm điểm thường xuyên ở cấp tiểu học

Bỏ chấm điểm thường xuyên ở cấp tiểu học

Bỏ chấm điểm thường xuyên ở cấp tiểu học

Sau một năm triển khai quy định của Bộ GD&ĐT về việc bỏ chấm điểm thường xuyên đối với học sinh lớp 1, đã cho thấy hiệu ứng tích cực.

Sau một năm triển khai quy định của Bộ GD&ĐT về việc bỏ chấm điểm thường xuyên đối với học sinh lớp 1, đã cho thấy hiệu ứng tích cực. Trước những tín hiệu khả quan ấy, năm học này, Bộ GD&ĐT tiếp tục ban hành Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh tiểu học. Trong đó quy định rõ, từ ngày 15-10-2014, các trường tiểu học không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên cho học sinh. Đây thực sự là một bước chuyển biến mới, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện của ngành GĐ&ĐT.

Tương tự như với học sinh lớp 1, thực hiện rộng ở cấp tiểu học, Thông tư mà Bộ GD&ĐT vừa mới ban hành cũng quy định: Thay vì dùng điểm số, giáo viên sẽ nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học. Trong đó, nội dung đánh giá thường xuyên bao gồm: Quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng từng môn học và hoạt động giáo dục khác theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học. Ngoài ra, giáo viên còn phải nhận xét, đánh giá sự hình thành và phát triển một số năng lực của học sinh như: Tự phục vụ, tự quản, giao tiếp, hợp tác, tự học và giải quyết vấn đề, tham gia hoạt động giáo dục, trung thực, kỷ luật, đoàn kết... Bộ cũng quy định, các đánh giá không dựa trên so sánh em này với em khác, phải vì sự tiến bộ của học sinh, đảm bảo công bằng, khách quan. Kết quả đánh giá có sự kết hợp của cả giáo viên, phụ huynh và chính học sinh, trong đó giáo viên là quan trọng nhất.

Học sinh lớp 1A, Trường Tiểu học Hà Lầm (TP Hạ Long).
Học sinh lớp 1A, Trường Tiểu học Hà Lầm (TP Hạ Long).

Khảo sát tại TP Hạ Long, chúng tôi nhận thấy, rất nhiều phụ huynh, học sinh tỏ ra vui mừng trước thông tin bỏ chấm điểm thường xuyên đối với học sinh cấp tiểu học bắt đầu từ năm học này. Đưa con đi học tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (TP Hạ Long), anh Nguyễn Đức Dương, 32 tuổi, trú tại phường Hồng Hải cho biết: “Theo tôi thấy, việc Bộ GD&ĐT mở rộng đối tượng ra toàn học sinh cấp tiểu học thực hiện bỏ chấm điểm thường xuyên là rất hợp lý. Việc các thầy, cô giáo chấm điểm thường xuyên không những gây ra áp lực cho các cháu, mà còn cho cả phụ huynh”. Không chỉ riêng anh Dương mà nhiều phụ huynh khác cũng cho rằng, ở lứa tuổi học sinh cấp tiểu học, việc “không chấm điểm, tăng nhận xét” sẽ giúp giáo viên có cơ hội khích lệ và có những góp ý cụ thể với mỗi học sinh.

Còn với các thầy, cô giáo, thì việc đánh giá, nhận xét thay vì chấm điểm thường xuyên đã không còn trở nên lạ lẫm. Bởi từ năm học 2013-2014, giáo viên dạy lớp 1 nói riêng và dạy cấp tiểu học nói chung trên địa bàn tỉnh đã được phổ biến, tìm hiểu những quy định liên quan về vấn đề này. Cô giáo Mai Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, TP Hạ Long cho biết: “Đây là năm thứ 2 nhà trường triển khai việc không chấm điểm thường xuyên đối với học sinh lớp 1, nên những khó khăn ban đầu đã không còn. Sau một năm triển khai, giáo viên và học sinh trong trường đều ủng hộ cách thực hiện này, vì đã giảm áp lực học thêm cho trẻ học trước chương trình lớp 1, giúp các em thoải mái, đạt kết quả tốt hơn trong học tập. Việc có thể mở rộng ra toàn cấp tiểu học cũng được các thầy cô nhà trường ủng hộ”.

Tại Trường Tiểu học Hà Lầm, cô giáo Nguyễn Thị Liên, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, ban đầu, khi mới thực hiện không chấm điểm thường xuyên cho học sinh lớp 1, hầu hết giáo viên đều mất nhiều thời gian cho việc đánh giá. Việc đánh giá thế nào cho hợp lý, linh hoạt, vừa để các em dễ hiểu, vừa động viên, khuyến khích được các em phấn đấu trong học tập là rất khó. Tuy nhiên, sau 1 năm thực hiện, nhận thấy sự vui mừng, phấn khởi từ phía học sinh, đồng thời được sự hướng dẫn, tập huấn của chuyên viên Phòng GD&ĐT TP Hạ Long, giáo viên dạy lớp 1 trong trường đã dần quen với việc đổi mới này.

Có thể thấy, việc đổi mới cách đánh giá thường xuyên với học sinh tiểu học rất cần thiết, nhận được sự đồng thuận của phụ huynh, nhà trường. Đây thực sự là một trong những sự chuyển biến mạnh mẽ trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

Tác giả bài viết: Lan Anh

Nguồn tin: Trường THPT Nguyễn Bình