Đối thoại với người lao động: Nhiều khó khăn được tháo gỡ
- Thứ bảy - 31/05/2014 04:56
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đối thoại với người lao động: Nhiều khó khăn được tháo gỡ
Đối thoại với người lao động nhằm mục đích nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc về chế độ chính sách... của CNVC-LĐ, góp phần chăm lo đời sống NLĐ, hạn chế các cuộc tranh chấp, đình công trái pháp luật. Những năm gần đây ở Quảng Ninh, chương trình đối thoại không chỉ diễn ra giữa chủ doanh nghiệp với người lao động mà đã được chính đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ trực tiếp đối thoại với người lao động, để từ đó lắng nghe và giải quyết những tâm tư, nguyện vọng của CNVC-LĐ.
Giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề sau đối thoại
Theo báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ với CNVC-LĐ tại cuộc đối thoại năm 2012 và diễn đàn năm 2013 của LĐLĐ tỉnh, sau hai lần đối thoại đã có nhiều vấn đề của người lao động được quan tâm giải quyết hiệu quả, nhất là những vấn đề về chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Một trong những kiến nghị nhiều năm nay của CNVC-LĐ đã từng bước được tháo gỡ là vấn đề nhà ở cho CNLĐ; nhà ở cho CB,CC,VC có thu nhập thấp, nhà gửi trẻ và các thiết chế văn hoá trong khu công nghiệp và địa bàn tập trung đông CNLĐ. Đến nay, các doanh nghiệp ngành Than đã xây dựng 155.000m2 nhà ở cho CNLĐ. Năm 2013, Tập đoàn Hoàng Hà đã khởi công xây dựng nhà ở xã hội với 371 căn hộ liền kề và 122 căn hộ chung cư, với tổng giá trị 338 tỷ đồng, giải quyết khoảng 2.200 chỗ ở…
Tại các buổi đối thoại, nhà ở cho CNLĐ luôn là vấn đề được người lao động quan tâm nhiều nhất. Trong ảnh: Khu nhà ở công nhân Tổng Công ty Đông Bắc. |
Với kiến nghị của người lao động về cơ chế chính sách đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhằm khắc phục chất lượng lao động thấp hiện nay của tỉnh, Tỉnh uỷ đã chỉ đạo thực hiện quy hoạch, sắp xếp các trường nghề, trên những cơ sở đã có, mở thêm các khoa, các ngành học tại các trường cao đẳng, đại học, trường nghề hiện nay như: Đồng ý để Trường Đại học Ngoại thương mở phân hiệu tại Quảng Ninh; ban hành quy định chính sách hỗ trợ và ưu tiên đầu tư vào các KCN, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh, trong đó có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho CNLĐ trong các KCN; triển khai Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020”. Hiện nay, tỉnh đang tập trung xây dựng Đề án thành lập Trường Đại học Hạ Long; thực hiện đề án thi tuyển cán bộ lãnh đạo quản lý, gặp mặt sinh viên giỏi, có chính sách thu hút nhân tài… nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Nhiều nội dung sau hai cuộc đối thoại như: Giải pháp của tỉnh trong việc đẩy mạnh phát triển đảng viên công nhân và thành lập tổ chức cơ sở Đảng trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ kinh phí cho tổ chức công đoàn hoạt động... đã được tỉnh quan tâm giải quyết có hiệu quả.
Cần sát sao tới người lao động
Tại buổi đối thoại giữa Bí thư Tỉnh uỷ với 750 CNVC-LĐ trên địa bàn ngày 27-5 vừa qua do LĐLĐ tỉnh tổ chức, đã có nhiều vấn đề được người lao động bày tỏ, mong muốn lãnh đạo tỉnh quan tâm giải quyết như: Đào tạo đội ngũ công nhân chất lượng cao; định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh; thực hiện Đề án xây dựng đời sống văn hoá công nhân ở các KCN; tiến độ triển khai Đề án xây dựng nhà ở tỉnh Quảng Ninh; nhà gửi trẻ trong các khu công nghiệp; cơ chế cho các doanh nghiệp địa phương có đủ năng lực đấu thầu thi công công trình, dự án của tỉnh; mức thu phí các ngành nghề khai thác khoáng sản; thanh toán nợ công trình đầu tư công cho các doanh nghiệp…
Tuy nhiên, không chỉ đến khi những câu hỏi đặt ra thì những vấn đề này mới được quan tâm tháo gỡ mà với tầm nhìn xa, sự quan tâm sát sao tới người lao động của các cấp ngành, cơ quan quản lý nhà nước, nhiều vấn đề khó khăn của người lao động đã và đang được tháo gỡ. Điển hình như vướng mắc về nhà gửi trẻ trong các KCN mà người lao động quan tâm đang dần được giải quyết. Căn cứ vào Quyết định số 404/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực KCN, khu chế xuất”, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện Đề án trên. Trước mắt, tỉnh giao Ban Quản lý KCN xem xét quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, căn cứ nhu cầu gửi trẻ của CNLĐ để lập Đề án thành lập cơ sở giáo dục mầm non hoặc nhóm trẻ độc lập tư thục trong KCN, trình cơ quan quản lý và chính quyền địa phương thẩm định, cho phép thành lập và hoạt động theo quy định hiện hành. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể để có chính sách hỗ trợ phù hợp. UBND các huyện, thị xã, thành phố xem xét lại quy hoạch mạng lưới các trường mầm non trên địa bàn, có giải pháp để củng cố các cơ sở hiện có hoặc xây dựng cơ sở mới đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của CNLĐ ở KCN hoặc doanh nghiệp tập trung đông CNLĐ; chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo ở địa phương phối hợp, hướng dẫn việc lập Đề án thành lập cơ sở giáo dục mầm non trong KCN, hỗ trợ các cơ sở này tổ chức hoạt động đúng quy định, đảm bảo chất lượng.
Còn về nhà ở cho CNLĐ, tỉnh đã tiếp tục bố trí quỹ đất và giao Ban Quản lý đầu tư các công trình trọng điểm làm chủ đầu tư dự án khu nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp và cho công nhân KCN Cái Lân tại đồi Thuỷ sản, phường Bãi Cháy. Ở các KCN, tỉnh đã tạo điều kiện điều chỉnh quy hoạch, quỹ đất cho nhà đầu tư xây dựng khu chung cư tập trung cho công nhân và đang xem xét tiếp nhiều dự án, đề án xây nhà cho CNLĐ.
Qua đối thoại trực tiếp mới chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa lãnh đạo tỉnh với CNVC-LĐ và tháo gỡ khó khăn cho người lao động, cũng là dịp để cán bộ công nhân hiểu được những khó khăn, có trách nhiệm, thái độ và hành động ứng xử đúng, cùng đồng lòng vượt khó với doanh nghiệp, với tỉnh. Thế nhưng để giải quyết bất kỳ vấn đề gì thì trên dưới phải tìm được tiếng nói đồng thuận mới thành công như đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh tại buổi đối thoại vừa qua: “Phía các cơ quan quản lý nhà nước cần phải sát sao, đi đôi với người lao động; còn về phía người lao động, người dân phải cộng tác, đồng thuận với chính quyền, Nhà nước để thực hiện tốt mọi vấn đề, định hướng của tỉnh đặt ra”. Nên việc đối thoại với người lao động, dù là ở cấp nào đi chăng nữa thì việc quan trọng là phải tìm được tiếng nói đồng thuận mới mong giải quyết hiệu quả những vướng mắc.