Hải Hà: Xóa rào cản ngôn ngữ cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Hải Hà: Xóa rào cản ngôn ngữ cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Hải Hà: Xóa rào cản ngôn ngữ cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Bắt đầu từ năm học 2011-2012, Chương trình chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng đồng bào DTTS đã được đưa vào chương trình giáo dục mầm non. Sau 3 năm triển khai, chương trình đã khẳng định được hiệu quả và thực sự mang đậm tính nhân văn.

Xuất phát từ đặc thù vùng miền, phần lớn trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khi bắt đầu đi học gặp nhiều khó khăn do không giao tiếp thành thục bằng tiếng Việt. Đây là nguyên nhân chính gây ra tình trạng trẻ tự ti, nhút nhát, ngại giao tiếp cũng như ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng giáo dục, thậm chí khiến các em bỏ học sớm.

Để cơ bản khắc phục tình trạng này, bắt đầu từ năm học 2011-2012, Chương trình chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng đồng bào DTTS đã được đưa vào chương trình giáo dục mầm non. Sau 3 năm triển khai, chương trình đã khẳng định được hiệu quả và thực sự mang đậm tính nhân văn. Đó là những ghi nhận của chúng tôi khi tìm hiểu chương trình này tại huyện Hải Hà.

 Một tiết học từ mới tiếng Việt tại lớp 5 tuổi trường mầm non Quảng Đức
Một tiết học từ mới tiếng Việt tại lớp 5 tuổi trường mầm non Quảng Đức.

Tiếng Việt là “ngoại ngữ”

Với đặc thù là xã có tỷ lệ đồng bào DTTS gần 90%, Quảng Đức có 4 điểm trường lẻ ở bản Mốc 13, Lý Nà, Chăn Mùi, Cấu Lìm và 1 trường mầm non trung tâm xã. Đời sống của đồng bào nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn nên chưa có điều kiện quan tâm nhiều đến việc học hành của con em. Nếu như trẻ em miền xuôi, đặc biệt là tại các đô thị, trước khi bước vào lớp 1, hầu hết các em đều có thể nghe, nói, diễn tả rất tốt bằng tiếng Việt, thậm chí nhiều em đã được học ngoại ngữ 1 là tiếng Anh. Trong khi đó, đối với các em học sinh vùng đồng bào DTTS, tiếng Việt thực sự là “ngoại ngữ”. Bởi ngay từ nhỏ, môi trường giao tiếp của các em với gia đình, bạn bè trong thôn, bản đều là tiếng dân tộc và khi đến tuổi đi học mầm non, khả năng sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp của các em còn nhiều hạn chế với vốn từ ít ỏi. Điều này vô hình chung đã tạo ra một rào cản trong giao tiếp, khiến các em tự ti, nhút nhát, hiệu quả học tập không cao.

Cô giáo Phạm Thị Lân, Hiệu trưởng trường mầm non Quảng Đức, cho biết: “Đa phần các giáo viên mầm non ở đây đều là người Kinh, nói tiếng dân tộc không thạo. Do vậy trong quá trình giảng dạy có nhiều chỗ học sinh không hiểu ngôn ngữ của cô. Muốn hướng dẫn cho các con hiểu một vấn đề nhiều khi cô giáo mất rất nhiều thời gian”.

Cô Lân cho biết thêm: “Trước đây, các con đi học mà rụt rè, nhút nhát lắm. Đến lớp hầu như không nói, đặc biệt là khi gặp người lạ, kể cả cô giáo hiệu trưởng xuống thăm lớp, các con cứ đứng vào một góc, len lét nhìn. Ngay cả việc truyền đạt cho các bé về các kỹ năng cần thiết cho trẻ từ 3-5 tuổi như vệ sinh cá nhân, sắp xếp, tổ chức các hoạt động vui chơi cũng gặp khó khăn”.

Có thể thấy, không giao tiếp thành thục bằng tiếng Việt đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dạy và học. Đặc biệt là khi các bé bước vào cấp tiểu học với kỹ năng sử dụng tiếng Việt hạn chế đã khiến không ít học sinh vùng DTTS vẫn chưa “đọc thông” tiếng Việt khi học xong lớp 1. Thậm chí lên lớp 2, lớp 3, với nhiều em tiếng Việt vẫn là ngoại ngữ. Đồng thời, quá trình học tập, tiếp thu kiến thức các môn học khác cũng bị ảnh hưởng. Theo đánh giá của các trường ở xã vùng cao nơi của huyện Hải Hà, nhìn chung tỷ lệ học sinh khá, giỏi là người DTTS cũng rất ít; tỷ lệ phổ cập giáo dục đúng độ tuổi cấp tiểu học của huyện những năm học trước đây đạt chưa đầy 90%.

Bước đệm để trẻ tự tin bước vào cấp tiểu học

Toàn huyện Hải Hà có 21 trường, cơ sở giáo dục mầm non, trong đó có 7 trường triển khai chương trình chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng DTTS. Theo thống kê của phòng GD-ĐT huyện, năm học 2013-2014, toàn huyện có 60 lớp mẫu giáo với gần 1.200 cháu được triển khai chương trình này. Đến nay, tất cả các trường mầm non công lập trên địa bàn huyện đều đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 1 do vậy hệ thống cơ sở vật chất, đồ dùng học tập, thiết bị dạy học đều cơ bản được trang bị đầy đủ.

Tăng cường giao tiếp giữa giáo viên và học sinh giúp các bé tự tin hơn
Tăng cường giao tiếp giữa giáo viên và học sinh giúp các bé tự tin hơn.

Qua tìm hiểu tại một số trường mầm non trên địa bàn, chúng tôi được biết, trong quá trình giảng dạy, việc tăng cường giao tiếp, học từ mới tiếng Việt cho trẻ vùng DTTS được lồng ghép trong tất cả mọi hoạt động từ tổ chức trò chơi, học từ mới, múa hát... Các cô giáo mầm non bao giờ cũng bế, đón các cháu từ tay bố, mẹ; trò chuyện, vui chơi với các cháu để tạo sự thân thiện, gần gũi. Đặc biệt, trẻ là chủ thể trong trò chơi vui phát triển ngôn ngữ, được khen ngợi và các cô giáo luôn đặt nhiều câu hỏi để kích thích trẻ nói, phát biểu ý kiến trước đông người. Trong năm học, các trường cũng tổ chức các cuộc thi mời phụ huynh và học sinh cùng tham gia, qua đó giúp tăng cường giao tiếp, tăng sự tự tin cho các bé.

Ông Đồng Mạnh Hùng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hải Hà, cho biết: “Triển khai chương trình này, các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn đều đã có những phương pháp, hình thức tổ chức chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em phù hợp với khả năng nhận thức, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển ngôn ngữ của trẻ. Sau 3 năm triển khai thực hiện, chương trình này đã giúp cho trẻ mẫu giáo vùng đồng bào DTTS hiểu được các từ ngữ tiếng Việt và sử dụng tốt tiếng Việt trong giao tiếp hàng ngày; tỷ lệ trẻ mầm non ra lớp năm sau tăng cao so với năm trước”. Ông Hùng cho biết thêm: “Thông qua chương trình, trẻ được trang bị một số kỹ năng cần thiết trước khi bước vào lớp 1, các em trở nên linh hoạt, tự tin hơn. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi tăng lên rõ rệt, đến nay đã chiếm gần 95%. Năm 2013, Hải Hà cũng đã được tỉnh công nhận đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và tiếp tục duy trì tốt”. 

Cũng theo lãnh đạo phòng GD&ĐT huyện, khó khăn khi triển khai chương trình này đó là các lớp ghép 2-3 độ tuổi tại các trường mầm non trên địa bàn huyện chiếm tới 50%. Giáo viên mầm non là người DTTS ít trong khi đó số lượng giáo viên người Kinh biết tiếng DTTS cũng hạn chế. Hiện số lượng giáo viên mầm non trên địa bàn các xã tập trung đông đồng bào DTTS vẫn còn thiếu. Do vậy, trong năm học 2014-2015, Hải Hà sẽ tăng cường, quan tâm hơn tới các cơ sở giáo dục mầm non vùng đồng bào DTTS; khuyến khích các giáo viên mầm non tại các trường, điểm trường tích cực học để biết và giao tiếp cơ bản bằng tiếng DTTS để thuận tiện hơn trong giảng dạy, tiếp xúc với phụ huynh học sinh. Đồng thời, chú trọng đảm bảo đội ngũ giáo viên cho các cơ sở mầm non thông qua hợp đồng ngắn hạn để trước mắt bổ sung đội ngũ giáo viên cho các trường, điểm trường còn thiếu.

 Phương Thúy

Nguồn tin: Trường THPT Nguyễn Bình