Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn: Các tuyến đê cần tiếp tục được quan tâm nhiều hơn

Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn: Các tuyến đê cần tiếp tục được quan tâm nhiều hơn

Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn: Các tuyến đê cần tiếp tục được quan tâm nhiều hơn

Công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) luôn được các cấp, ngành, địa phương của tỉnh đặc biệt quan tâm, chủ động theo phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Theo đó, công tác đầu tư về cơ sở vật chất hạ tầng, trang thiết bị phương tiện cho PCTT&TKCN từng bước được chú trọng đầu tư. Đặc biệt, chương trình nâng cấp các tuyến đê, nhất là các tuyến đê biển trên địa bàn đã bước đầu phát huy hiệu quả rõ rệt trong công tác PCTT&TKCN.
Đê Hà Nam (Quảng Yên) được đầu tư nâng cấp theo chương trình nâng cấp đê biển quốc gia.
Đê Hà Nam (Quảng Yên) được đầu tư nâng cấp theo chương trình nâng cấp đê biển quốc gia.

Hiện nay Quảng Ninh có 397,597km đê các loại, trong đó đê cấp III có 33,67km; đê cấp IV có 133,884km; đê cấp V có 230,043km. Các tuyến đê trên địa bàn đã bảo vệ cho khoảng 43.600ha và khoảng 1/4 dân số toàn tỉnh với 242.000 người sống trong các vòng đê. Hầu hết diện tích đất canh tác chủ lực trên địa bàn tỉnh đều nằm trong các tuyến đê. Thực hiện chương trình nâng cấp đê theo Quyết định số 58/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quảng Ninh đã phê duyệt được 19 dự án nâng cấp đê với tổng kinh phí 1.876 tỷ đồng. Đã có 4 dự án hoàn thành, bao gồm: Đê Trường Xuân (Cô Tô); đê Hoàng Tân, Hà An (Quảng Yên); đê Hang Son (Uông Bí) và 9 dự án khác đang triển khai thi công. Tổng nguồn vốn đã cấp cho các dự án nâng cấp đê là khoảng 450 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương 320 tỷ đồng; vốn địa phương 130 tỷ đồng. Các tuyến đê sau khi được nâng cấp đều đảm bảo về chất lượng, mỹ thuật, có độ an toàn cao, đặc biệt đã kết hợp nâng cao hiệu quả của giao thông nông thôn. Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy hiện nay là còn rất nhiều tuyến đê đang thi công dở dang, một số tuyến đê đã được phê duyệt nâng cấp, nhưng chưa có kinh phí triển khai như: Đê Quan Lạn (Vân Đồn), đê Đường Hoa (Hải Hà)… Đây là một trong số những tuyến đê đã bị vỡ trong mùa mưa bão năm 2013, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân.

Ông Phạm Đình Hoà, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi (Sở NN&PTNT), Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết: Hiện nay, nhiều dự án nâng cấp đê đã được phê duyệt, nhưng chưa có kinh phí để triển khai thi công. Với quy định, khi đã đủ 35% kinh phí thì mới được khởi công thì đây là điều kiện bất khả kháng đối với việc nâng cấp đê, vì hầu hết các tuyến đê được phê duyệt nâng cấp đều có nguồn kinh phí rất lớn, ví dụ đê Quảng Thành (Hải Hà) kinh phí 42 tỷ đồng, đê Quan Lạn (Vân Đồn) kinh phí 187 tỷ đồng… Trong khi đó, kế hoạch bố trí vốn năm 2014 cho đê chỉ có 32 tỷ đồng. Nguồn vốn này chủ yếu được dùng cho việc thanh toán khối lượng đã hoàn thành của năm 2013, vì vậy không có kinh phí để xây dựng mới. Để giải quyết được khó khăn về nguồn vốn, đồng thời từng bước đáp ứng được yêu cầu về phòng chống thiên tai, thì các địa phương cần rà soát lại các dự án đã được phê duyệt, căn cứ thực tế để phân chia tuyến đê thành nhiều đoạn có mức độ nguy hiểm khác nhau tương ứng với kinh phí đi kèm trình cấp thẩm quyền phê duyệt, trên cơ sở đó sẽ ưu tiên cho việc đầu tư nâng cấp những tuyến xung yếu nhất. Làm như vậy sẽ giải quyết được bài toán về vốn và bước đầu đáp ứng được yêu cầu về phòng chống lụt bão. Cùng với việc nâng cấp đê điều, một biện pháp quan trọng cho công tác PCTT&TKCN là phải xây dựng được phương án bảo vệ các vùng trọng điểm, tập trung gia cố những vị trí xung yếu nhất. Đến thời điểm này, mọi phương tiện, vật tư cho công tác PCTT&TKCN đã được chuẩn bị đầy đủ với 14 tàu, xuồng sẵn sàng tham gia tìm kiếm cứu nạn; 50 bơm hơi cứu sinh, hàng nghìn áo phao, phao tròn, phao bè, nhà bạt các loại đã giao cho các địa phương. Hơn 10.800m3 đá hộc, 57.000m2 vải bạt; 3.575m2 vải lọc; 3.368kg thép buộc và 94.485 chiếc bao tải; 3.045 chiếc rọ thép và hàng chục nghìn cọc tre đã được tập kết tại các địa phương, đặc biệt là các địa điểm xung yếu như các tuyến đê và các công trình hồ đập.

Tác giả bài viết: Hữu Việt

Nguồn tin: Trường THPT Nguyễn Bình