Vân Đồn: Chủ động phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Vân Đồn: Chủ động phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Vân Đồn: Chủ động phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Để hạn chế tối đa những thiệt hại do thiên tai gây ra, năm nay huyện Vân Đồn đã sớm xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai.

Năm 2013 có 15 cơn bão và 4 cơn áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó có 2 cơn bão đổ bộ trực tiếp và ảnh hưởng đến Vân Đồn là bão số 5 (Jebi) và bão số 14 (Haiyan) đã làm 1 người chết, tốc mái 819 ngôi nhà; hư hỏng hơn 500m kè cảng cập tàu, kè chắn sóng; đắm 64 tàu thuyền; trôi dạt, vỡ nát hơn 400, nhà bè, bè nuôi trồng thuỷ sản; đổ gãy hơn 1.300ha rừng và hơn 100ha cây trồng khác... Ước tổng thiệt hại hơn 150 tỷ đồng.

Do đó để hạn chế tối đa những thiệt hại do thiên tai gây ra, năm nay huyện Vân Đồn đã sớm xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai. Theo đó, kế hoạch hiệp đồng công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được huyện xây dựng nhằm đảm bảo thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức hiệp đồng triển khai thực hiện và chủ động đối phó có hiệu quả với những tình huống phức tạp, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Huyện đã xác định các khu vực trọng điểm trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là những khu vực có thể xảy ra lốc xoáy (khu vực biển), các khu vực có thể xảy ra ngập lụt do nước biển dâng, khu vực có thể xảy ra đắm tàu, thuyền, vỡ bè nuôi trồng thuỷ sản...

Cảng tàu xã Minh Châu bị hư hỏng nặng do bão số 5 và 14 năm 2013. (Ảnh chụp ngày 18-6-2014)
Cảng tàu xã Minh Châu bị hư hỏng nặng do bão số 5 và 14 năm 2013. (Ảnh chụp ngày 18-6-2014)

Trên cơ sở xác định những khu vực trọng điểm trong công tác phòng chống thiên tai năm nay, huyện xác định phương châm phòng chống là chủ động 4 tại chỗ: “Lực lượng, chỉ huy, vật tư, hậu cần tại chỗ”. Theo đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, xã, thị trấn trong huyện tổ chức quán triệt sâu sắc về Pháp lệnh phòng chống lụt bão, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác cứu hộ đê, chỉ thị của các cấp, các ngành về công tác phòng chống bão lụt, giảm nhẹ thiên tai; kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN từ huyện đến cơ sở; xây dựng kế hoạch và tổ chức luyện tập phương án PCTT&TKCN. Từ đó, huyện Vân Đồn cũng đã xây dựng kế hoạch, tổ chức sử dụng lực lượng, phương tiện tham gia phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn bao gồm lực lượng dân quân tại chỗ của Ban CHQS 12 xã, thị trấn và nhân dân trên địa bàn, lực lượng cơ động của Ban CHQS huyện, Công an huyện, các cơ quan chức năng của huyện, các ban, ngành, đoàn thể địa phương 12 xã, thị trấn, các công ty, xí nghiệp, dân quân cơ động 12 xã, thị trấn. Bên cạnh đó, huyện đã xây dựng kế hoạch hiệp đồng lực lượng giữa các đơn vị tham gia ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn như Lữ đoàn 242 (QK3), Đồn Biên phòng Quan Lạn, Ngọc Vừng, Trạm Ra đa 485 Hải quân, Cảng vụ Vạn Hoa. Lực lượng khắc phục hậu quả thiên tai cũng được xác định rõ, bao gồm: Ban CHQS huyện, lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, nhân dân địa phương với lực lượng hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

Riêng đối với lực lượng ứng cứu sự cố xảy ra đắm tàu, vỡ lồng bè trên biển, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã giao nhiệm vụ cho các xã, thị trấn chủ động huy động lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân tổ chức hiệp đồng, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đơn vị đứng chân trên địa bàn huy động tàu, xuồng cao tốc thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên vùng biển do địa phương quản lý. Cùng với đó, các xã, thị trấn tổ chức điều tra, lập hồ sơ danh bạ điện thoại đến từng hộ gia đình, từng chủ phương tiện tàu thuyền, nhà bè nuôi trồng và dịch vụ thuỷ sản để có thông tin kêu gọi khi cần thiết. Thực hiện việc chỉ huy tại chỗ, chỉ đạo chỉ huy các lực lượng, phương tiện. Thường xuyên kiểm tra các khu vực có thể xảy ra sạt lở đất, hệ thống đê điều, hồ, đập, có phương án di dân ra khỏi khu vực nguy hiểm và tổ chức kiểm tra các tàu, thuyền, lồng bè hoạt động trên biển. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng thấy không bảo đảm hệ số an toàn thì sẽ đình chỉ hoạt động của phương tiện và kiên quyết kêu gọi, cưỡng chế phương tiện tàu thuyền về nơi neo đậu an toàn, đưa ngư dân nuôi trồng thuỷ sản, kinh doanh dịch vụ trên bè lên bờ an toàn trước khi bão đến, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Vân Đồn cho biết: Công tác thông tin tuyên truyền để ngư dân nâng cao ý thức, chủ động phòng chống thiên tai rất quan trọng. Qua thực tế những năm qua cho thấy, khi mưa bão đến vẫn có một bộ phận bà con ngư dân còn có tư tưởng chủ quan, biểu hiện không chấp hành các mệnh lệnh chỉ đạo của chính quyền địa phương. Người dân còn chủ quan cho rằng bão không lớn như dự báo, bão không đổ bộ vào địa phương nên còn chủ quan, gây khó khăn cho công tác cứu hộ, cứu nạn. Cùng với đó, hiện nay huyện Vân Đồn chưa được xây dựng khu neo đậu tránh trú bão nên khó khăn cho bà con ngư dân khi địa phương kêu gọi vào nơi tránh trú khi có bão. Trong phương án triển khai chỉ đạo, một số địa phương chưa quyết liệt, nhất là việc cưỡng chế, di chuyển người dân lên bờ khi có bão lớn. Bên cạnh đó, hiện nay phương tiện ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn không đáp ứng được tình hình thực tế, nhất là thiếu phương tiện tàu, xuồng có khả năng hoạt động trong điều kiện gió bão từ cấp 7 trở lên khiến cho công tác PCTT&TKCN còn gặp nhiều khó khăn.

Tác giả bài viết: Hữu Việt

Nguồn tin: Trường THPT Nguyễn Bình