Xây dựng trường chuẩn quốc gia: Quyết tâm đạt mục tiêu

Xây dựng trường chuẩn quốc gia: Quyết tâm đạt mục tiêu

Xây dựng trường chuẩn quốc gia: Quyết tâm đạt mục tiêu

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII về chỉ tiêu đến năm 2015 có ít nhất 70% số trường học mầm non, phổ thông trong tỉnh đạt chuẩn quốc gia, đến nay (tính đến ngày 31-10) toàn tỉnh đã có 60,1% số trường được công nhân đạt chuẩn.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII về chỉ tiêu đến năm 2015 có ít nhất 70% số trường học mầm non, phổ thông trong tỉnh đạt chuẩn quốc gia, đến nay (tính đến ngày 31-10) toàn tỉnh đã có 60,1% số trường được công nhân đạt chuẩn. Với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, kịp thời của tỉnh, cùng quyết tâm cao của các cấp, ngành, các địa phương trong tỉnh bằng nhiều giải pháp phù hợp, hiệu quả, thì chỉ tiêu này hoàn toàn có cơ sở đạt được.

Kinh nghiệm của Uông Bí

Đến cuối năm 2009, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia của TP Uông Bí mới là 48,8%. Thế nhưng, đến tháng 8-2014, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia của thành phố đã lên tới 89,4% (42/47 trường). Cụ thể: Cấp mầm non có 13 trường; cấp tiểu học có 16 trường; cấp THCS có 11 trường; cấp THPT có 2 trường. Riêng trường công lập, 100% đạt chuẩn quốc gia (trong đó, 57,1% số trường mầm non, tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ II). Đối chiếu với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ TP Uông Bí lần thứ XVIII đề ra thì các tỷ lệ trên đều đạt và vượt.

Trường Mầm non Hải Xuân (TP Móng Cái) đang được gấp rút hoàn thiện để đạt chuẩn quốc gia trong năm học 2014-2015.
Trường Mầm non Hải Xuân (TP Móng Cái) đang được gấp rút hoàn thiện để đạt chuẩn quốc gia trong năm học 2014-2015.

Chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, đồng chí Võ Tiến Quang, Trưởng Phòng GD&ĐT TP Uông Bí, cho biết: Kết quả này có được là do cấp uỷ, chính quyền thành phố đã luôn bám sát chủ trương của tỉnh, đồng thời vận dụng linh hoạt vào thực tế của địa phương, từ đó đề ra những quyết sách đúng đắn, có phương thức chỉ đạo phù hợp, kịp thời. Công tác tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của nhiệm vụ xây dựng trường chuẩn quốc gia, công tác xã hội hoá giáo dục được đẩy mạnh với các biện pháp cụ thể, như: Mở hội nghị các nhà tài trợ, thư tuyên truyền tới từng phụ huynh... Nhờ đó, thành phố đã huy động được sức mạnh toàn dân tham gia xây dựng trường chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, thành phố luôn chú trọng duy trì chất lượng trường chuẩn quốc gia, thông qua các giải pháp: Thường xuyên rà soát, kiểm tra bộ tiêu chí chuẩn quốc gia ở các trường học; duy trì chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông; quan tâm công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu; bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất...

Quyết tâm về đích đúng hẹn

Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia đã và đang được các cấp, ngành, địa phương rất quan tâm, chú trọng thực hiện. Sở GD&ĐT (cơ quan thường trực BCĐ xây dựng trường chuẩn quốc gia tỉnh) tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản về xây dựng trường chuẩn quốc gia phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời phối hợp với các sở, ngành liên quan thường xuyên tổ chức kiểm ra, rà soát bộ tiêu chí xây dựng trường chuẩn của các cơ sở giáo dục.

Theo số liệu của Sở GD&ĐT, năm 2010, toàn tỉnh mới có 213 trường học các cấp mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Thế nhưng, trong 3 năm (từ 2011 đến nay), tỉnh đã có thêm 171 trường được công nhận (năm 2011 có 24 trường, năm 2012 có 73 trường, năm 2013 có 54 trường, năm 2014 (tính đến ngày 31-10) có 20 trường). Như vậy, đến nay toàn tỉnh có 384/639 trường học các cấp mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 60,1%. Cụ thể: Cấp mầm non có 121/209 trường (57,9%); cấp tiểu học có 139/183 trường (76,0%); cấp THCS có 99/190 trường (52,1%); cấp THPT có 25/57 trường (43,9%). Cô Tô là địa phương có tỷ lệ trường chuẩn quốc gia cao nhất (90%); tiếp sau là TP Uông Bí (89,4%); Hoành Bồ là địa phương có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia thấp nhất (25%).

Để tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 70% vào năm 2015 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII thì tỉnh cần thêm tối thiểu 63 trường được công nhận đạt chuẩn. Theo đồng chí Vũ Liên Oanh, Giám đốc Sở GD&ĐT: Qua rà soát từ các địa phương, hiện có 37 trường đủ 5/5 tiêu chuẩn để công nhận đạt chuẩn trước ngày 31-12-2014, nhưng chưa hoàn thiện hồ sơ công nhận; 26 trường đủ 4/5 tiêu chuẩn (hầu hết là “thủng” tiêu chuẩn cơ sở vật chất). Trong 26 trường này, có 22 trường có mức đầu tư dự kiến dưới 3 tỷ đồng, chỉ có 4 trường được đề xuất mức đầu tư trên 3 tỷ đồng. Trong điều kiện kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, Sở GD&ĐT đã lưu ý các địa phương cần cân nhắc đề xuất, ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình trường học có mức đầu tư thấp, mang tính khả thi cao, đảm bảo tiết kiệm, tránh đầu tư dàn trải.

Hiện các địa phương trong tỉnh đang quyết tâm, nỗ lực rất cao, đưa ra nhiều giải pháp thiết thực trong công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, như: Lồng ghép với thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi để tập trung nguồn vốn đầu tư; không đưa vào kế hoạch xây dựng năm 2015 các công trình chưa được phê duyệt hồ sơ đầu tư trước ngày 31-10-2014; rà soát lại các trường đã được công nhận; cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học để duy trì các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia; đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục...

Với quyết tâm cao của các cấp, ngành, địa phương, thì mục tiêu mà tỉnh đề ra là đạt tỷ lệ 70% trường chuẩn quốc gia vào năm 2015 hoàn toàn có thể trở thành hiện thực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn tỉnh.

Tác giả bài viết: Lan Anh

Nguồn tin: Trường THPT Nguyễn Bình