"Xốc" lại hệ thống y tế tuyến huyện và tuyến xã

"Xốc" lại hệ thống y tế tuyến huyện và tuyến xã

Những năm qua, hệ thống y tế của Quảng Ninh không ngừng phát triển lớn mạnh, đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Đến nay, Quảng Ninh không còn tình trạng người bệnh vào điều trị phải nằm ghép tại các bệnh viện trong tỉnh.

Những năm qua, hệ thống y tế của Quảng Ninh không ngừng phát triển lớn mạnh, đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Đến nay, Quảng Ninh không còn tình trạng người bệnh vào điều trị phải nằm ghép tại các bệnh viện trong tỉnh. Số giường bệnh trên 10.000 dân là 42,3. Công tác Y tế dự phòng và phòng chống dịch trên địa bàn cũng được thực hiện tốt. Nhiều năm nay Quảng Ninh không để xảy ra các vụ dịch lớn, không có vụ ngộ độc thực phẩm lớn trên 30 người... Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng hệ thống y tế của Quảng Ninh vẫn còn nhiều bất cập, nhất là ở cấp huyện và cấp xã. Cụ thể như ở tuyến huyện còn nhiều đầu mối đơn vị y tế trên cùng địa bàn như: Bệnh viện, Trung tâm Y tế, Phòng Y tế, Trung tâm Dân số - KHHGĐ. Do đó, có sự chồng chéo về thực hiện một số chức năng nhiệm vụ nên trong quá trình hoạt động đã bộc lộ một số bất cập, khó khăn như: Việc thực hiện quy chế phối hợp giữa các đơn vị y tế trên cùng một địa bàn chưa được tốt, chưa hỗ trợ bổ sung cho nhau một cách có hiệu quả; nguồn nhân lực bị phân tán đặc biệt là cán bộ quản lý, bác sĩ và cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao; thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, trong khi đó việc bố trí quỹ đất để xây dựng trụ sở, bổ sung kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị còn nhiều khó khăn. Còn ở cấp xã, Trạm y tế tại các vùng miền, địa phương trong tỉnh có chung một mô hình hoạt động; một số địa bàn có trạm y tế và Phòng khám ĐKKV được bố trí tương đối gần nhau nên hiệu quả hoạt động không cao, gây lãng phí trong đầu tư.

Do ở gần các bệnh viện lớn nên chức năng “đỡ đẻ thường” của Trạm Y tế phường Trần Hưng Đạo (TP Hạ Long) không được phát huy và trang thiết bị được xếp gọn vào một góc.
Do ở gần các bệnh viện lớn nên chức năng “đỡ đẻ thường” của Trạm Y tế phường Trần Hưng Đạo (TP Hạ Long) không được phát huy và trang thiết bị được xếp gọn vào một góc.

Trong khi đó, cơ sở vật chất và trang thiết bị tại một số cơ sở y tế, nhất là ở tuyến huyện chưa đồng bộ và thiếu so với quy định. Một số bệnh viện tuyến huyện đã xuống cấp, thiếu trang thiết bị hiện đại... và hầu hết các Trung tâm Y tế huyện chưa có trụ sở hoạt động độc lập hoặc cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo, thiếu trang thiết bị hoạt động. Mặt khác, nhiều trạm y tế chưa đạt chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị theo Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã của Bộ Y tế cũng như các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới của tỉnh (mới chỉ có gần 60% số trạm y tế xã, phường được xây dựng và trang bị tương đối hoàn chỉnh theo bộ tiêu chí mới).

Trước những bất cập này, Quảng Ninh đã đề xuất với Bộ Y tế một số giải pháp nhằm tinh giản bộ máy, biên chế ngành y tế. Đối với hệ thống y tế tuyến xã, tỉnh đề nghị điều chỉnh đồng bộ cả về chức năng nhiệm vụ, nhân lực, hạ tầng cơ sở vật chất, trang thiết bị tại từng trạm y tế để phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương và nâng cao hiệu quả hoạt động, tránh lãng phí. Cụ thể, Trạm y tế xã của Quảng Ninh được phân loại theo 3 mô hình. Trong đó, có 77/186 trạm y tế (chiếm 41,4%) tiếp tục thực hiện đầy đủ 11 chức năng, nhiệm vụ theo quy định và được tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực; 57/186 trạm y tế (chiếm 30,6%) không thực hiện “đỡ đẻ thường”; 52/186 trạm y tế (chiếm 28,0%) không thực hiện “đỡ đẻ thường” và “khám chữa bệnh thông thường”. Đối với mô hình y tế tuyến huyện, Quảng Ninh đề xuất thành lập trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố do Sở Y tế quản lý, trên cơ sở hợp nhất bệnh viện đa khoa tuyến huyện, phòng khám đa khoa khu vực và trung tâm y tế tuyến huyện hiện nay. Đồng thời, thành lập phòng y tế - dân số do UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý, trên cơ sở hợp nhất phòng y tế và trung tâm dân số - KHHGĐ. Cùng với đó là giải thể 3 phòng khám đa khoa khu vực (Nam Khê - Uông Bí, Quảng La - Hoành Bồ, Trà Cổ - Móng Cái) gần các trạm y tế xã, phường và chuyển nhiệm vụ khám chữa bệnh của các phòng khám đa khoa khu vực này về trạm y tế xã, phường.

Đây đều là những đề xuất mang tính đột phá nhằm thực hiện mô hình quản lý hệ thống y tế theo hướng tinh gọn, đồng bộ; đổi mới phương thức hoạt động của các đơn vị y tế nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Đặc biệt, với những điều chỉnh này, chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị y tế tuyến huyện và tuyến xã sẽ phù hợp hơn với tình hình thực tế của địa phương. Đồng thời, hoạt động của các đơn vị y tế tuyến huyện, tuyến xã sẽ được “xốc” lại, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân.

Tác giả bài viết: Hà Chi

Nguồn tin: Trường THPT Nguyễn Bình