Tin Tức Báo Quảng Ninh điện tử

Sau những bài báo

Thứ bảy - 21/06/2014 07:08

Sau những bài báo

Rất may đêm đó họ đã quay được cận cảnh một tàu khai thác cát trái phép. Công sức của 3 đêm bì bọp dọc sông là 30 giây hình ảnh.

Bút danh cứu nhà báo

Đó là tâm sự của Nhà báo Đặng Nhung, Báo Quảng Ninh - người đã nhiều năm gắn bó với mảng đề tài điều tra theo đơn thư bạn đọc. Chị tâm sự, mảng viết của mình thường liên quan đến vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng, chuyện tranh chấp giữa 2 nhà với nhau, chuyện đơn thư khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện, chuyện tổ dân, khối phố… Mỗi khi tiếp nhận được đơn thư, khiếu nại từ người dân, mình cùng đồng nghiệp lặn lội xuống cơ sở, tìm đến từng người có liên quan để hỏi cặn kẽ vấn đề, rồi làm việc với cơ quan chức năng xem hướng giải quyết ra sao, căn cứ vào các quy định gì rồi sau đó mới phản ánh lên mặt báo. Thông thường, khi đọc bài báo như vậy thì những người trong cuộc sẽ hiểu được vấn đề. Thế nhưng, có không ít trường hợp người dân không hiểu hoặc cố tình không hiểu, cho rằng nhà báo bênh chính quyền làm sai và họ “kiện” lên Toà soạn, lên Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Hội Nhà báo tỉnh... Cách đây vài năm mình có viết một bài báo về vụ khiếu nại của công dân và ký bút danh. Báo ra hôm trước, hôm sau nhân vật mình đề cập trong bài viết đến Toà soạn “kiện”. Trò chuyện với mình có bao nhiêu “của ngon vật lạ” trên đời bác ấy đem hết ra để chửi cơ quan chức năng, doanh nghiệp liên quan. Tiếp bác ấy mình rất bình tĩnh lắng nghe, phân tích để bác ấy hiểu nội dung khiếu nại của bác ấy không đúng quy định pháp luật, rồi chuyện tình, chuyện lý. Nghe mình phân bua xong bác ấy bảo: Cháu nói thế rất có lý, bác công nhận bác sai như anh nhà báo đó viết, nhưng đọc bài của anh ta bác vẫn tức. Cũng trong ngày hôm đó, UBND tỉnh có buổi tiếp công dân định kỳ, mình chở bác ấy bằng xe máy của mình đến trụ sở tiếp công dân, trên đường đi bác ấy hết lời khen mình tâm lý, tốt bụng, hiểu sự việc, bênh người dân chứ cái anh nhà báo viết bài đó không bênh bác như cháu đâu.

Buồn, vui chuyện nghề

Nhà báo Lương Quang Thọ có gần 12 năm công tác ở Đài PT-TH Quảng Ninh, đến tháng 7-2008, anh chuyển sang làm Thường trú Báo Nhân Dân tại Quảng Ninh. Với anh, chuyện vui, buồn từ nghề thì rất nhiều, trong đó có 2 kỷ niệm đáng nhớ nhất. Chuyện thứ nhất: Gần chục năm về trước, khi anh vẫn còn công tác ở Đài PT-TH tỉnh, phụ trách chuyên mục “Xoá đói, giảm nghèo”. Trong chuyến công tác tại một thôn có 100% hộ là người dân tộc Dao ở huyện Ba Chẽ, anh đến một gia đình ở đầu thôn. Nhìn từ trong ra ngoài, gia đình này chẳng có tài sản gì đáng giá. Gọi mãi mới thấy một thanh niên từ trong buồng đi ra đang mắt nhắm mắt mở, hơi thở nồng nặc mùi rượu. Qua trò chuyện được biết anh này chẳng làm gì, chỉ suốt ngày tụ tập rượu chè. Nhà tiếp theo anh đến còn bi đát hơn nhiều: Gạo không có, đến mấy cân thóc giống cũng đã mang ra ăn hết... Trong tác phẩm sau chuyến đi ấy, anh đã chỉ rõ căn nguyên đói nghèo ở nơi đây không chỉ do thiếu tư liệu, thiếu vốn sản xuất, mà còn là tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Sau khi phóng sự được phát, cấp uỷ, chính quyền địa phương đã kịp thời vào cuộc giúp cho thôn này có cuộc sống ngày khá hơn.

Chuyện thứ hai: Gần 20 năm trước, nhà báo Lương Quang Thọ nhận được đơn của 13 cô giáo thuộc một trường mầm non trên địa bàn TP Cẩm Phả phản ánh về việc công tác nhiều năm nhưng không được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Qua tìm hiểu anh thấy đây là thiếu sót của cơ quan chức năng ở địa phương. Gần 8 giờ tối, khi tác phẩm của anh đang chuẩn bị phát thì nhận được yêu cầu phải dừng lại nhưng không biết nguyên nhân là gì. Ngay sáng hôm sau, anh đã tìm gặp 13 cô giáo để xin lỗi. Nhưng cũng thật may là dù không được phát sóng, nhưng tác phẩm đó đã được chuyển đến cho những người có trách nhiệm. Một thời gian sau, các cô giáo này đã được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

“3 đêm lặn ngụp để có 30 giây hình”

5 năm vào nghề, phóng viên Lê Minh Toàn, Phòng Thời sự (Đài PT-TH Quảng Ninh) đã làm hàng trăm phóng sự, bài viết nhưng với Toàn loạt bài phản ánh tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Cầm (huyện Đông Triều) năm 2011 là tai nạn phải nhớ mãi. Toàn kể lại rằng, sau nửa ngày lê la với bà con nông dân trên những mảnh ruộng của họ chỉ cần vài ngày nữa thôi sẽ sạt xuống lòng sông, một vấn đề khó đặt ra là làm thế nào để quay được hoạt động của những tàu hút cát trái phép chỉ hoạt động vào ban đêm. Hai đêm lội bì bọp trên các bờ ruộng dọc sông Cầm, nghe rõ ràng thấy tiếng máy hút cát đang chạy, nhưng không tài nào xác định được vị trí để tiếp cận. Đêm thứ ba, may mắn cho Toàn và quay phim được một đôi vợ chồng già sinh sống gần bờ sông nhận dẫn đi. Để bảo vệ cho hai phóng viên chưa bằng tuổi con mình, hai vợ chồng mỗi người cầm một con dao chẻ củi. Theo lời giải thích của họ thì là để đề phòng những tay có “máu mặt” tại địa phương chuyên bảo kê cho những tàu hút cát trái phép. Rất may đêm đó họ đã quay được cận cảnh một tàu khai thác cát trái phép. Công sức của 3 đêm bì bọp dọc sông là 30 giây hình ảnh. Đến nay tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Cầm đã được ngăn chặn.        

Tác giả bài viết: Quang Minh

Nguồn tin: Trường THPT Nguyễn Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn