Tin Tức Báo Quảng Ninh điện tử

"Tôi vui vì đã làm được điều tâm nguyện với người đã hy sinh"...

Thứ hai - 07/04/2014 03:02

"Tôi vui vì đã làm được điều tâm nguyện với người đã hy sinh"...

Người ta nhắc nhiều đến Anh hùng - Liệt sĩ Nguyễn Công Bao, người con của vùng đất Quảng Yên, người chiến sĩ đặc công Rừng Sác năm xưa; nhưng ít ai biết, sau cái chết anh dũng của ông, có một người phụ nữ, một cô giáo trường làng, đã kiên trì lặn lội quyết tìm cho được hài cốt người anh hùng để đưa về đoàn tụ với quê hương. Bà là Vũ Thị Hiệp, ở xã Cẩm La, TX Quảng Yên, vợ ông...

(Bà Vũ Thị Hiệp, vợ Anh hùng - Liệt sĩ Nguyễn Công Bao, trò chuyện với  PV Báo Quảng Ninh)

Trò chuyện với tôi, bà Vũ Thị Hiệp bùi ngùi kể:

+ Lúc còn sống, anh Bao thương vợ con lắm. Tôi còn nhớ, lúc anh đi B, tôi sinh cháu trai. Khi cháu được 2 tháng thì anh về thăm vợ con được 3 ngày. Anh về tang tảng sáng, phà Rừng bị B52 của Mỹ ném bom ác liệt không qua được. Chờ đợi cả ngày cho đến nửa đêm thì anh bơi qua sông giữa mùa đông rét căm căm rồi chạy bộ một mạch về nhà. Anh nói với tôi lúc chia tay, anh là bộ đội đặc biệt, khi chiến đấu nếu lỡ có rơi vào tay địch thì phải tìm đường bảo toàn danh dự. Không ngờ đó lại là lời cuối cùng của anh. Mãi sau này, tôi mới hiểu cái từ “bộ đội đặc biệt” anh nói là thế nào…

Anh hùng Nguyễn Công Bao.
Anh hùng Nguyễn Công Bao.

- Cụ thể là như thế nào, thưa bà?

+ Ngày 4-12-1973, anh Bao hy sinh. Sau đó một thời gian thì tôi nhận được giấy báo tử, cũng chỉ biết anh đã hy sinh trên chiến trường miền Nam. Mãi sau này, khi gặp lại đồng đội của anh năm ấy, tôi mới biết anh là bộ đội đặc công nước, nhưng do yêu cầu giữ bí mật nên không được tiết lộ thân phận với ai, kể cả người thân trong gia đình. Và cũng đến tận lúc đó mới biết anh đã cùng đồng đội phá kho xăng Nhà Bè và hy sinh trong trận đánh này, chứ không phải mất tích như một số người đồn đoán…

- Nghe nói, sau đó bà đã cất công nhiều năm đi tìm hài cốt chồng mình?

+ Đúng vậy. Ngoài mảnh giấy báo tử, báo công của anh mà đơn vị gửi về tôi không hề nhận được bất kỳ một thông tin nào khác. Trong nhà bia liệt sĩ của quê tôi cũng chẳng có tên anh. Thắc mắc với ai đây? Tôi đã nhờ đồng đội của anh đi tìm xem thấy chút gì quanh vùng sông Lòng Tàu, nhưng mãi mà không tìm được chút dấu vết gì. Tôi chỉ sợ nếu không tìm được thì vong linh anh thấy buồn tủi…

- Điều gì khiến bà quyết tâm thực hiện ý định đó?

+ Tôi không phải người mê tín, nhưng quả thực từ sau khi anh hy sinh, có nhiều chuyện lạ rất khó giải thích. Có lần, khi cả nhà đang chuẩn bị cho đám cưới của chú Nam, em anh ở quê thì tôi buột miệng nhắc lại lời anh nói với tôi lúc từ biệt lần cuối cùng: “Sau chiến tranh, chú Nam cưới vợ anh sẽ về làm chủ hôn cho chú ấy!”. Tôi vừa nói xong, bỗng một con bướm rất to ở đâu bay đến. Cả nhà lấy làm lạ. Tự dưng tôi thấy trong người rất khác lạ, linh cảm mách tôi đó là anh ấy, mặc dù chưa có giấy báo tử về làng...

Bà Hiệp chụp ảnh lưu niệm tại con đường mang tên Anh hùng - Liệt sĩ Nguyễn Công Bao ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh năm 2004. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Bà Hiệp chụp ảnh lưu niệm tại con đường mang tên Anh hùng - Liệt sĩ Nguyễn Công Bao ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh năm 2004. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Lại lần khác, có một chú bướm lạ, to như vậy ở ngoài lượn vào quanh quẩn trên đầu mọi người rồi đậu trên yên chiếc xe máy có chiếc nón của tôi. Đôi cánh chập chờn. Tôi đến bên lẩm nhẩm: “Cuộc gặp nào cũng có lúc phải xa nhau. Anh về, sống khôn chết thiêng, anh hãy nhận lời chào của vợ và đồng đội!”. Tôi vừa quay đi quay lại, thì lạ thay, trong chớp mắt chú bướm bay khỏi xe rồi biến đâu mất!”.

Thêm một lần khác, khi mọi người bắt đầu khởi công xây dựng khu đền tưởng niệm các chiến sĩ anh hùng Rừng Sác, trong đó có tượng đài lấy anh làm nguyên mẫu, bỗng nhiên có hàng ngàn con chim bồ chao từ đâu bay đến hót rộn ràng. Người dân địa phương bảo chưa bao giờ thấy đàn chim nào đông đến vậy. Rồi đến ngày khánh thành Đền, trời đang nắng gay gắt bỗng nhiên có một cơn mưa như trút nước ập đến. Người ta bảo đó là cơn mưa rửa đền…

Từ ấy, tôi có linh tính rằng anh còn vương vấn với anh chị em, quê hương làng xóm lắm, anh muốn được về lắm. Và tôi quyết bằng mọi cách phải tìm được anh, đưa anh về…

- Có lúc nào đó bà cảm thấy nản lòng?

+ Thú thực là có. Ấy là khi nhân viên bưu điện mang đến trao cho tôi một gói bưu kiện. Tôi hồi hộp mở ra thấy có gói gì đóng vuông vức kèm theo một lá thư. Đọc hết lá thư mới hiểu đó là gói đất do Trung Đoàn 10 Rừng Sác lấy từ sông Lòng Tàu, nơi các anh đã hy sinh, gửi ra cho. Tôi hiểu mọi người gửi nắm đất sông Lòng Tàu ra là để an ủi gia đình tôi. Nhưng tôi chỉ để nắm đất ấy lên bàn thờ chứ không lập mộ giả, vì tin rằng sẽ tìm được anh… Và tôi quyết định vào lại TP Hồ Chí Minh để tìm các tài liệu liên quan đến sự hy sinh của anh. Đi ra đi vào mãi mà tin tức về anh vẫn bặt vô âm tín. Nếu như không có duyên may được người dân và đồng đội của anh giúp đỡ thì tôi đã mãi mãi không tìm được anh…

- Chuyện thế nào, thưa bà?

+ Ấy là vào một ngày tháng 7-1999, dân ở khu vực hàng rào Kho xăng Nhà Bè khi xưa báo tin tìm thấy một đoạn xương trồi lên. Tiếp tục đào bới thì phát hiện hai bộ hài cốt, trong đó đều có mũ vải dù hoa, chiếc ống thở, chiếc dây thắt lưng. Căn cứ vào xương quai hàm, xương ống chân, hàm răng và chiếc dây đeo trên cổ mà người ta nhận biết đó là hài cốt của anh Bao và của một chiến sĩ khác tên là Phạm Văn Tiềm, chiến hữu của anh. Nhận được tin báo, mẹ con chúng tôi đã vào đón anh về quê hương…

- Nhưng nghe nói “cuộc tìm kiếm” của bà chưa dừng lại ở đó?

+ Đúng là vậy. Hồi ấy tôi luôn đau đáu với 2 điều trăn trở, một là phải tìm được hài cốt của anh để đưa về quê hương và nữa là phải đi tìm để trả lại sự công bằng cho anh thì lòng mình mới thoả nguyện được. Bởi trước đó người ta chỉ công nhận anh là liệt sĩ, nhưng theo đồng đội anh cũng như những tài liệu mà tôi có thì anh xứng đáng là một Anh hùng. Tôi cạy cục mang hết hồ sơ đi chỗ này đến chỗ khác đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho anh mà không được. Một phần vì hồ sơ còn thiếu, phần vì chưa tìm thấy hài cốt của anh, nhiều người cứ nghĩ là anh mất tích. Chuyện ấy thì thôi cũng đành. Nhưng ngay cả khi tìm thấy hài cốt của anh rồi, người ta vẫn lần khần mãi chưa chịu làm hồ sơ cho anh…

- Và sau đó thì thế nào ạ?

+ Thực ra, từ hồi năm 1997 tôi đã làm hồ sơ để đề nghị cấp trên truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho anh, nhưng xã và huyện không công nhận. Tôi phải viết thư vào cho các đồng đội của anh trong Trung đoàn Rừng Sác nhờ giúp đỡ. Tôi tiếp tục lặn lội khắp đây đó, vào Sài Gòn, Đồng Nai gặp đồng đội của anh, nhờ lãnh đạo Trung đoàn của anh giúp đỡ, lên Tỉnh Đội. Đầu tháng 7-2012, tôi lên Hà Nội nêu ý kiến với các cơ quan Trung ương, họ bảo trường hợp đặc biệt này họ chưa biết(!). Hỏi dưới địa phương, hỏi đơn vị anh thì người ta bảo gửi đi rồi. Chẳng biết hồ sơ mắc ở đâu nữa. Tôi còn phải nhờ cả báo chí lên tiếng. Mãi đến 30-4 năm ngoái, 40 năm kể từ khi anh hy sinh, nguyện vọng của tôi được đáp ứng. Anh Bao chính thức được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND…

Cùng với anh Bao, liệt sĩ Phạm Văn Tiềm, đồng đội cùng hy sinh với anh, cũng được truy tặng Anh hùng trong đợt này. Lại nghĩ, anh Bao vẫn còn may mắn hơn anh Tiềm. Đến tận lúc đơn vị công bố truy tặng Anh hùng vẫn chưa thấy gia đình anh Tiềm có người đến nhận, chỉ có cán bộ Trung đoàn đến nhận thay. Anh Tiềm hy sinh khi còn rất trẻ, chẳng có vợ con gì cả. Chẳng biết các cụ thân sinh ở Thanh Hoá có còn sống không, anh chị em thế nào cũng không biết… 

Tôi nhìn bà Hiệp, đôi mắt bà ánh lên niềm vui. Chia tay tôi, bà bảo:

+ Chú biết không, tôi bây giờ kể cũng đã khá tuổi, đứa con trai mà anh ấy để lại cho tôi giờ cháu đã lớn, có cuộc sống ổn định. Tôi cũng đã đi bước nữa, tìm chỗ nương tựa tuổi già, anh ấy là một cựu chiến binh. Tôi rất vui vì tâm nguyện của mình với anh Bao đã thành hiện thực. Vui nữa là chồng tôi bây giờ chẳng những không lăn tăn gì mà còn rất trân trọng quá khứ của vợ. Anh ấy chủ động lập bàn thờ và dành một gian trang trọng trong để thờ anh Bao. Với chúng tôi bây giờ, anh Bao là người thân thiết của cả hai, đó là nghĩa cử với người quá cố, là cái tình với đồng đội…

Hải Dương (Thực hiện)

Nguồn tin: Trường THPT Nguyễn Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn