Tin Tức Báo Quảng Ninh điện tử

Chất lượng công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước: Cách nào để nâng cao?

Thứ tư - 26/02/2014 05:02
Nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS là nhiệm vụ vô cùng quan trọng của các cấp công đoàn nhằm khẳng định vị thế, vai trò, tiếng nói của công đoàn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động. Tuy nhiên, ở nhiều doanh nghiệp ngoài nhà nước (DNNNN), tiếng nói công đoàn vẫn "nhẹ" hơn chuyên môn.

Nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS là nhiệm vụ vô cùng quan trọng của các cấp công đoàn nhằm khẳng định vị thế, vai trò, tiếng nói của công đoàn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động. Tuy nhiên, ở nhiều doanh nghiệp ngoài nhà nước (DNNNN), tiếng nói công đoàn vẫn “nhẹ” hơn chuyên môn.

Vừa qua, một số công nhân tại một đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ở KCN Cái Lân đã chia sẻ với chúng tôi về việc quyền lợi của họ đôi khi chưa được quan tâm thoả đáng, thậm chí giờ làm thêm chỉ được tính 4.000 đồng/giờ, trong khi với mức thu nhập 3 triệu đồng/tháng thì giờ làm thêm mà đơn vị nọ trả cho công nhân là chưa đúng quy định của pháp luật, bởi người lao động làm thêm giờ được trả lương theo đơn giá hoặc tiền lương của công việc đang làm: Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; vào ngày nghỉ hàng tuần, ít nhất bằng 200%; vào ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300%. Như vậy mức tính tiền làm thêm giờ của công ty nọ là chưa đúng quy định. Khi chúng tôi có ý kiến với vị chủ tịch công đoàn ở đây thì được trả lời rằng đã có tham mưu với giới chủ nhưng chưa được. Không chỉ ở đơn vị nọ, thực trạng tiếng nói công đoàn “nhẹ” hơn chuyên môn còn xảy ra ở rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp ngoài quốc doanh, một số doanh nghiệp FDI dẫn đến quyền lợi của người lao động bị thiệt thòi.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Chủ tịch LĐLĐ TP Hạ Long, chỉ ra thực trạng rằng: “Nhiều trường hợp, công đoàn đề nghị cái gì cũng bị doanh nghiệp từ chối; thậm chí có quy định trích nộp kinh phí công đoàn đấy nhưng đơn vị không trích. Có vị giám đốc còn thẳng thừng rằng hoạt động công đoàn, chưa làm cũng không chết ai”. Theo ông Hưng, “nguyên nhân bởi số các DNNNN trên địa bàn thành phố hầu hết quy mô nhỏ, luôn biến động, chỉ có 4-5 đơn vị có từ 200 công nhân trở lên, vì vậy hoạt động công đoàn gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, tình hình kinh tế khó khăn, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, việc làm, tiền lương của người lao động còn khó đảm bảo nên khó có thể hoạt động phong trào được”. Không những thế, khi tiếng nói công đoàn “nhẹ” hơn chuyên môn dẫn đến tình trạng cán bộ công đoàn ngại nói, ngại đề xuất, ngại học, ngại bảo vệ người lao động thì làm sao hoạt động hiệu quả.

“Trong khi Bản thoả ước lao động tập thể là cẩm nang để các chủ tịch CĐCS căn cứ vào đó mà bảo vệ quyền lợi người lao động, nhưng do bận công tác chuyên môn nên nhiều cán bộ công đoàn không quan tâm, kỹ năng xây dựng bản thoả ước chưa cao. Hầu hết nội quy lao động chỉ được áp dụng đối với doanh nghiệp có từ 30 lao động trở lên. Công tác kiểm tra giám sát lao động của các cơ quan chức năng còn hạn chế, nên việc thực hiện chế độ chính sách pháp luật nhiều khi còn bị “lờ” đi” - bà Nguyễn Lan Anh, Chủ tịch LĐLĐ TP Uông Bí dẫn ra thực tế.

Về phía chủ quan cán bộ CĐCS, nhiều người năng lực, trình độ, kiến thức hiểu biết chính sách pháp luật, kỹ năng tổ chức công đoàn của nhiều cán bộ CĐCS còn yếu, chưa phát huy được tính sáng tạo, năng động, tinh thần đấu tranh vì người lao động; chưa quy tụ được người lao động trong tổ chức các phong trào. Còn người lao động cũng không mặn mà gia nhập tổ chức công đoàn; một bộ phận đông lao động chưa yên tâm gắn bó với công ty, vì thế khó có thể đào tạo, quy tụ vào tổ chức công đoàn.

Thực tế, hầu hết cán bộ công đoàn DNNNN đều là nhân viên cấp dưới của chủ doanh nghiệp, lại thiếu hiểu biết về chính sách pháp luật, thiếu khả năng đối thoại, giải quyết những mâu thuẫn trong doanh nghiệp với chủ sử dụng lao động, nên thường dẫn đến thất bại trong thương lượng, bảo vệ quyền lợi người lao động. Hoạt động công đoàn của DNNNN khó hơn khối DNNN, vì vậy trước hết cần phát huy vai trò của người đứng đầu tổ chức công đoàn, không nên đặt nặng vấn đề cơ cấu, hình thức mà bầu “đại” một ai đó. Cán bộ công đoàn phải nghĩ ra được việc chứ không phải cấp trên nói gì là đưa vào làm cái đó, nên cán bộ công đoàn phải có đủ “tầm”. Bên cạnh đó, phong trào công đoàn cần gắn liền với các hoạt động kinh doanh của đơn vị, cùng chuyên môn tháo gỡ khó khăn. BCH công đoàn cần tuyên truyền cho người lao động về nội quy của công ty, xây dựng ý thức trách nhiệm, gắn bó của người lao động với doanh nghiệp. Công đoàn cần quan tâm bảo vệ chế độ phúc lợi, chính sách của người lao động; phải tạo được chế độ khuyến khích nhằm động viên, khích lệ tinh thần làm việc của người lao động, từ đó mới tập hợp, quy tụ đoàn viên, tạo sức mạnh cho tổ chức công đoàn…

Hơn nữa, cần tăng cường sự chỉ đạo của các cấp đảng uỷ, công đoàn cấp trên đối với hoạt động CĐCS; đưa ra những chế tài xử lý các trường hợp vi phạm chế độ chính sách lao động, tạo hành lang pháp lý cho cán bộ công đoàn hoạt động; nâng cao trình độ kiến thức pháp luật cho chủ doanh nghiệp, cán bộ công đoàn và người lao động để các bên trong mối quan hệ lao động cùng có cái nhìn tích cực trong việc xây dựng mối quan hệ hài hoà trong doanh nghiệp. Đây là mối quan hệ vừa hợp pháp, vừa đấu tranh, nên rất khó giải quyết, dễ dẫn đến đình công. Nếu quan hệ này không hài hoà thì cả chủ và người lao động đều thiệt. Vì vậy, “công cụ” điều chỉnh tốt nhất cho mọi vấn đề là thoả ước lao động tập thể, chúng ta chỉ việc dựa vào đó và phát huy, cả hai bên cùng có cái nhìn chân thành, thẳng thắn, vì nhau; cùng nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, am hiểu về lĩnh vực công đoàn thì sẽ tạo điều kiện cho công đoàn hoạt động.

Tác giả bài viết: Thanh Hằng

Nguồn tin: Trường THPT Nguyễn Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn