Tin Tức Báo Quảng Ninh điện tử

"Với người lính biên phòng, bảo vệ biên giới, bảo vệ nhân dân là trên hết..."

Thứ hai - 03/03/2014 00:50

"Với người lính biên phòng, bảo vệ biên giới, bảo vệ nhân dân là trên hết..."

Vóc người chắc chắn, rắn rỏi, làn da đen sạm vì nắng gió, trông Thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác Biên phòng Cống Cách (Đồn Biên phòng cảng Vạn Gia, TP Móng Cái) giống như một ngư dân "chính hiệu".

Vóc người chắc chắn, rắn rỏi, làn da đen sạm vì nắng gió, trông Thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác Biên phòng Cống Cách (Đồn Biên phòng cảng Vạn Gia, TP Móng Cái) giống như một ngư dân "chính hiệu". Thế nhưng, anh lại là một chàng trai quê lúa, sinh ra lớn lên ở xã Nguyễn Huệ, huyện Đông Triều. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành nghiệp vụ Biên phòng, anh liên tục công tác ở các đồn biên phòng ven biển, từ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Hòn Gai, đến đảo Thanh Lân, rồi cảng Vạn Gia… Có lẽ vì thế mà cái chất "dân miền biển" đã hoà vào anh chăng?

Thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác BP Cống Cách (Đồn BP cảng Vạn Gia) nhận bằng khen của tỉnh.
Thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác BP Cống Cách (Đồn BP cảng Vạn Gia) nhận bằng khen của tỉnh.

Kể về hơn 24 năm binh nghiệp của mình, Thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng nói một cách ngắn gọn:

- Năm 1990, sau khi tốt nghiệp cấp III, tôi quyết định nhập ngũ và được điều về làm chiến sĩ biên phòng. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, tôi được đơn vị cho đi học chuyên ngành nghiệp vụ Biên phòng, đăng ký ngành học tiếng Trung và trở thành sĩ quan chuyên nghiệp. Tốt nghiệp ra trường, tôi về công tác ở Đồn biên phòng Cửa khẩu cảng Hòn Gai, sau đó là Đồn Biên phòng đảo Thanh Lân, cảng Vạn Gia...

Với những thành tích của mình trong công tác, Thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng đã 7 năm liên tục được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua và nhận nhiều bằng khen, giấy khen từ các cấp. Đặc biệt, năm 2013, anh đã lập "hat trick" khi được nhận 3 Bằng khen của UBND tỉnh và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng vì có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác cứu hộ cứu nạn, trong học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"...

- Trong rất nhiều con đường để vào đời, tại sao anh lại chọn "nghiệp" lính biên phòng?

+ Thế hệ chúng tôi ai cũng mang trong mình hình ảnh những chiến sĩ biên phòng hiên ngang, uy dũng, được nhân dân yêu quý. Tôi cũng vậy. Tôi thần tượng những người lính không quản ngại khó khăn, cùng bám đất, bám dân, gìn giữ sự bình yên cho những vùng đất phên dậu của Tổ quốc. Đặc biệt, trong thời gian tôi mới lớn thì cũng là thời gian mà những người lính biên phòng đã ghi nhiều chiến công, cũng như chịu nhiều hy sinh, mất mát để bảo vệ biên giới

Tổ quốc. Chính vì vậy, tôi cũng như nhiều bạn bè đồng lứa đều mong muốn được đứng trong hàng ngũ những người lính biên phòng, góp công, góp sức của mình giữ gìn biên cương. Tôi may mắn hơn bạn bè vì đã "hiện thực hoá" được ước mơ ấy.

- Vậy sau khi đã "hiện thực hoá" được ước mơ của mình, khoác trên mình bộ quân phục với quân hàm xanh, anh cảm thấy thế nào? Giữa "ước mơ" với thực tế có khác nhau nhiều không?

+ Khác nhiều lắm. Vẫn biết làm lính biên phòng là vất vả, là chịu gian khổ, khó khăn, nhưng đi vào thực tế thì những khó khăn ấy nhân lên gấp bội. Không chỉ lăn lộn huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, bộ đội biên phòng chúng tôi luôn công tác ở những địa bàn biên giới vùng sâu, vùng xa và hải đảo khó khăn. Đầu những năm 1990, khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh còn chưa phát triển, cư dân thưa thớt nên chúng tôi thiếu thốn đủ đường. Ngay khi tôi tốt nghiệp ra trường, được phân công công tác về Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Hòn Gai thì điều kiện làm việc, sinh hoạt cũng còn không ít khó khăn. Khi đó, tôi làm nhiệm vụ trong đội trinh sát, giám hộ các tàu thuyền nước ngoài. Giám hộ có trách nhiệm theo sát tàu, trực tiếp ăn, ở cùng thuỷ thủ đoàn nhiều ngày ròng trên biển. Trong khi đó, việc sinh hoạt trên tàu nước ngoài rất khó thích nghi, nhất là ăn uống. Năm 1998, khi về công tác tại Đồn biên phòng đảo Thanh Lân, tôi lại gặp khó khăn khác như điều kiện đi lại trắc trở, thiếu nước ngọt, thiếu rau xanh, phong tục tập quán của người dân có nhiều khác biệt với đất liền… Rồi những ngày Tết, khi nhà nhà, người người đoàn tụ cùng gia đình, ấm áp bên mâm cơm thì chúng tôi vẫn chắc tay súng, vẫn làm nhiệm vụ…

- Công tác ở các đồn biên phòng trên biển anh thấy có nét khác biệt gì so với các đồn trên đất liền?

+ Dù trên bộ hay trên biển thì nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài của bộ đội biên phòng chúng tôi là quản lý, bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới, vùng biển - đảo. Dù ở bất cứ nơi nào, vị trí nào, thời điểm nào thì chúng tôi vẫn luôn nêu cao trách nhiệm bảo vệ biên giới, bảo vệ nhân dân. Chúng tôi liên hệ chặt chẽ với quần chúng, dựa vào quần chúng để thực hiện nhiệm vụ, đồng thời tuyên truyền vận động nhân dân vùng biên giới tăng cường đoàn kết dân tộc, thực hiện các chủ trương và chương trình kinh tế, xã hội của Đảng và Nhà nước, tích cực xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng nền biên phòng toàn dân và các thế trận an ninh nhân dân trên vùng biên giới. Tuy nhiên, bộ đội biên phòng ven biển, ngoài nhiệm vụ chung thì có nhiệm vụ bảo vệ sự bình yên trên biển, vùng biên giới ven biển để ổn định an ninh chính trị, an toàn trên biển, giúp cho ngư dân an tâm khai thác, chung sức gìn giữ biển đảo Việt Nam vì mục đích hoà bình, ổn định, tôn trọng chủ quyền các quốc gia trong khu vực.

- Được biết, trong cơn bão số 5 đổ bộ vào Quảng Ninh hồi tháng 8-2013, anh đã tham gia cứu hộ rất nhiều ngư dân và được UBND tỉnh tặng Bằng khen. Anh có thể kể cụ thể hơn về chiến công ấy được không?

+ Thực ra đấy không phải chiến công của riêng tôi, mà của nhiều đồng đội khác nữa. Khi cơn bão số 5 đổ về, khu vực Cống Cách dù là nơi tránh bão an toàn của ngư dân nhưng lại là nơi cơn bão đổ về dữ dội nhất vào đúng lúc triều cường. Bằng kinh nghiệm nhiều năm, tôi quyết định cho anh em ăn cơm sớm, chuẩn bị tất cả các phương tiện cứu hộ cứu nạn tốt nhất. Khoảng 8h tối, bão đổ về càng ngày càng lớn, gió rít lên từng cơn, sóng từng đợt cao hàng mét... khác xa so với dự báo ban đầu. Lúc này dãy bè trên 20 chục chiếc được thả neo, cột vào với nhau ở vụng Cống Cách bị cơn bão cuốn trôi, dần xa bờ. Trên bè có hàng chục ngư dân. Trong mưa bão, điện thoại của tôi rung lên liên hồi, bà con dân chài điện thoại kêu cứu. Lúc này do mưa lớn, gió giật trên cấp 12, cột sóng cao hàng chục mét nhưng chúng tôi vẫn quyết định đưa xuồng ra tiếp cứu. Tuy nhiên, khi gần đến chỗ bà con thì xuồng không thể tiếp cận vào các nhà bè, trong khi bà con hoảng loạn, kêu cứu thảm thiết. Lúc đó, tôi đã quyết định lao thẳng xuồng lên trên các bè để đón ngư dân. Đưa được một lượt vào bờ thì chúng tôi lại tiếp tục lao ra biển tìm kiếm vì còn 9 ngư dân vẫn mất tích. Phải đến tận 23h đêm hôm ấy chúng tôi mới tìm đủ 9 người còn lại, đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng cho bà con trong cơn bão lớn...

- Hỏi thật nhé, lúc lao xuồng ra biển, anh có thấy sợ không?

+ Nói thật là lúc đó tôi không có thời gian để nghĩ chứ nói gì đến sợ nữa. Trong đầu tôi lúc ấy chỉ có duy nhất hình ảnh những ngư dân đang tuyệt vọng trong đêm tối, bão bùng. Nếu chúng tôi không ứng cứu ngay, có thể sẽ có nhiều đứa trẻ mất cha, nhiều người vợ mất chồng. Trách nhiệm của người lính biên phòng chúng tôi là bảo vệ biên giới, bảo vệ nhân dân nên không thể để điều đó xảy ra. Vì thế, chúng tôi lên đường, đương đầu với bão tố thôi...

- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Tạ Quân (Thực hiện)

Nguồn tin: Trường THPT Nguyễn Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn