Tin Tức Báo Quảng Ninh điện tử

Kiểm tra, phòng ngừa, xử lý vi phạm an toàn vệ sinh lao động: Cần kiên quyết hơn

Thứ tư - 05/03/2014 02:35

Kiểm tra, phòng ngừa, xử lý vi phạm an toàn vệ sinh lao động: Cần kiên quyết hơn

Đây là một trong những nội dung kết luận tại hội nghị triển khai Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ-PCCN lần thứ 16 năm 2014 của Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ-PCCN tỉnh Vũ Thị Thu Thuỷ, ngày 1-3 vừa qua. Thực tế cho thấy, việc tăng cường, quyết liệt áp dụng thực hiện các biện pháp sẽ góp phần giảm thiểu các vụ TNLĐ.
Công tác an toàn lao động luôn được các đơn vị ngành Than đặt lên hàng đầu trong lao động sản xuất. Trong ảnh: Tuyển chọn than tại Công ty CP Than Mông Dương.
Công tác an toàn lao động luôn được các đơn vị ngành Than đặt lên hàng đầu trong lao động sản xuất. Trong ảnh: Tuyển chọn than tại Công ty CP Than Mông Dương.

Nhiều giải pháp nhưng tai nạn vẫn gia tăng

Năm 2013, các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp đã tích cực áp dụng thực hiện nhiều giải pháp trong công tác ATVSLĐ-PCCN. Trong công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức về công tác ATLĐ, VSLĐ, PCCN được quan tâm, triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với công việc và đặc thù ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Trong công tác huấn luyện về ATVSLĐ từng bước được đổi mới, rà soát xây dựng lại các giáo trình huấn luyện phù hợp với các ngành nghề. Công tác thanh, kiểm tra được tăng cường thực hiện, đề cao ý thức tự kiểm tra một cách thường xuyên của cơ sở để chủ động phát hiện các sai phạm, các nguy cơ mất an toàn để từ đó có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời. Tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã tổ chức bộ máy làm công tác ATVSLĐ; tiến hành phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận trong công tác ATVSLĐ. Hàng năm các đơn vị xây dựng kế hoạch ATVSLĐ cùng với kế hoạch sản xuất kinh doanh được thực hiện từ tổ sản xuất, công trường, phân xưởng, phòng, ban trở lên để sát với tình hình thực tế.

Mặc dù đã áp dụng thực hiện nhiều giải pháp trong công tác ATVSLĐ-PCCN thế nhưng tình hình TNLĐ vẫn diễn biến ngày càng phức tạp. Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh, năm 2013, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra 528 vụ TNLĐ làm 537 người bị nạn; trong đó số vụ TNLĐ chết người là 32 vụ, 36 người chết, số người bị thương nặng là 298 người. So với năm 2012, tổng số vụ TNLĐ tăng 74 vụ (16,3%); tổng số nạn nhân tăng 22 người (4,3%); số vụ TNLĐ chết người giảm 1 vụ (3%); số người chết giảm 3 người (7,7%); số người bị thương nặng tăng 25 người (9,1%). Trong số 32 vụ TNLĐ nghiêm trọng, chết 36 người thì riêng ngành Than đã xảy ra 26 vụ làm chết 30 người. Trong đó hầm lò 22 vụ chết 26 người, ngoài lò 4 vụ chết 4 người. Số vụ TNLĐ liên quan đến việc quản lý, vận hành, sửa chữa thiết bị, máy móc có xu hướng tăng. Cũng trong 2 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ TNLĐ nghiêm trọng làm chết 9 người; so với cùng kỳ năm 2013 giảm 1 vụ, nhưng số người chết tăng 4 người.

Điều đáng nói nữa là trong số 204 người bị xử lý kỷ luật về vi phạm ATVSLĐ thì có 21 người là chánh phó giám đốc, 46 trưởng, phó phòng ban, 34 cán bộ phòng ban, 62 phó chánh quản đốc, 20 lò trưởng, tổ trưởng sản xuất và 21 công nhân. Như vậy là số người bị kỷ luật hầu hết đều là những người nắm rất chắc về quy trình, quy phạm, pháp luật về ATVSLĐ.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Thế Thịnh, Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh: Nguyên nhân vẫn do việc rút kinh nghiệm và đề ra, thực hiện các giải pháp phòng ngừa TNLĐ ở một số đơn vị chưa được nghiêm túc, quyết liệt; việc thực hiện chế độ khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo định kỳ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chưa nghiêm; việc chấp hành các quy định pháp luật về công tác ATVSLĐ của một số doanh nghiệp còn chưa tốt; ý thức chấp hành pháp luật về ATVSLĐ của người lao động còn hạn chế; công tác thanh, kiểm tra, giám sát về an toàn, vệ sinh lao động có lúc, có nơi còn thiếu sâu sát…

Quyết liệt trong các chương trình hành động

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành sản xuất than tại Quảng Ninh: Ở ngành Than, công tác tuyên truyền, tập huấn được thực hiện thường xuyên, thế nhưng nhiều trường hợp nhận thức của cán bộ về công tác an toàn còn lơ mơ, chưa đồng bộ, vẫn còn để xảy ra TNLĐ nặng. Nhưng với “Quy định về việc xử lý người đứng đầu doanh nghiệp khi để xảy ra TNLĐ làm chết nhiều người”, những trường hợp để mất an toàn Tập đoàn sẽ xử lý mạnh tay, điển hình như vụ TNLĐ ở Đồng Vông, Vinacomin đã cách chức giám đốc và phó giám đốc phụ trách an toàn Công ty Than Đồng Vông, cảnh cáo Giám đốc Công ty Than Uông Bí. Về phía Tập đoàn, hệ thống kiểm tra ATLĐ là cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, từ các cấp uỷ Đảng đến bản thân mỗi cá nhân. Vì thế khi xét thành tích thi đua mỗi cá nhân, yếu tố đảm bảo an toàn được đánh giá quan trọng trong bình xét. Tập đoàn cũng xác định vấn đề quản lý là quan trọng, chứ không đánh giá một chiều; đồng thời thực hiện nhiều biện pháp nhằm thay đổi nhận thức của cán bộ và người lao động trong đảm bảo ATLĐ.

Nhằm nâng cao hiệu quả cũng như tăng cường các giải pháp đảm bảo ATLĐ, vừa qua, tại hội nghị triển khai Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ-PCCN lần thứ 16, đồng chí Vũ Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ-PCCN đã kết luận những giải pháp nhằm thực hiện đồng bộ công tác đảm bảo an toàn lao động. Về nhiệm vụ tăng cường quản lý nhà nước trong công tác ATVSLĐ; rà soát lại các văn bản pháp luật, chế tài xử lý vi phạm pháp luật về ATVSLĐ, báo cáo tỉnh để bổ sung cơ chế xử phạt; trong công tác phòng, chống TNLĐ cần xử lý nghiêm; cùng với xử phạt vi phạm hành chính có thể đình chỉ hệ thống, dây chuyền sản xuất. Đặc biệt cần kiên quyết trong công tác kiểm tra, phòng ngừa và xử lý vi phạm ATVSLĐ. Các cấp, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục nâng cao nhận thức về công tác ATVSLĐ-PCCN cho cộng đồng, người sử dụng lao động, người lao động về đảm bảo ATLĐ. Bên cạnh đó, cần xác định rõ ràng vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu ở các sở, ngành, địa phương, đơn vị thì khi sự việc xảy ra mới có con người, đầu mối để xử lý. Các tổ chức, đoàn thể cần tích cực phối hợp tham gia tuyên truyền, vận động. Để giảm thiểu số vụ TNLĐ, đảm bảo ATVSLĐ, cần thực hiện có hiệu quả chương trình hành động của BCH Đảng bộ tỉnh thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.

Hy vọng, với những giải pháp quyết liệt trong các chương trình hành động, sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ-PCCN lần thứ 16 với chủ đề: “Suy nghĩ và hành động vì mục tiêu không tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ tại nơi làm việc” sẽ hạn chế được TNLĐ, có sức lan toả lớn để các đơn vị, tổ chức, mỗi cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ ATVSLĐ-PCCN xuyên suốt cả năm 2014, xây dựng được môi trường làm việc không TNLĐ.

Tác giả bài viết: Thanh Hằng

Nguồn tin: Trường THPT Nguyễn Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn